Giới thiệu

Ninh Bình nằm ở cực Nam của đồng bằng sông Hồng, nối miền Bắc và miền Trung bởi dãy Tam Điệp hùng vĩ. Cách Hà Nội 93km về phía Nam, Ninh Bình là nơi tiếp nối kinh tế, văn hóa, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng núi rừng Tây Bắc. Được thiên nhiên ưu đãi cùng với bề dày lịch sử đã để lại cho Ninh Bình nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc. Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch phong phú, hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch đang được đầu tư khá đồng bộ là những nên tảng cơ bản để thu hút khách du lịch tới Ninh Bình.

Ninh Bình có 02 thành phố và 06 huyện, diện tích tự nhiên của tỉnh là 1.377,57 km2, dân số 926.995 người trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh và dân tộc Mường.

Vị trí địa lý

Ninh Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc. Trên địa bàn tỉnh có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10; 12A; 12B và đường sắt Bắc – Nam chạy qua cùng hệ thống sông ngòi dày đặc như: sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Càn, sông Vạc, sông Vân,…tạo thành mạng lưới giao thông thuỷ, bộ rất thuận tiện cho giao lưu, phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh.

Dân cư, dân tộc

Ninh Bình là vùng đất có con người cư trú rất sớm. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện xương, răng người hoá thạch ở Thung Lang (Tam Điệp) có niên đại cách ngày nay từ 3 – 4 vạn năm. Động Người Xưa ở Cúc Phương có di chỉ của con người cách đây gần vạn năm. Di tích của nền Văn hoá Hoà Bình còn tìm thấy ở một số hang động thuộc thị xã Tam Điệp, phản ánh xu hướng con người tiến ra vùng đồng bằng ven chân núi giáp biển. Di chỉ Mán Bạc (Yên Mô) có di tích của con người thời kỳ đồng thau cách đây từ 3.300 – 3.700 năm.

Trong số 6 chiếc trống đồng tìm thấy ở Ninh Bình có 2 trống đồng loại I, hiện vật tiêu biểu của nền văn minh sông Hồng. Điều đó chứng tỏ Ninh Bình là một trong những địa bàn quan trọng của nền văn minh buổi đầu dựng nước.

Ninh Bình có hai dân tộc chính là dân tộc Kinh và dân tộc Mường. Hiện nay, có trên 2 vạn người Mường sống xen kẽ với người Kinh, tập trung chủ yếu ở các xã: Cúc Phương, Kỳ Phú, Quảng Lạc, Phú Long, Yên Quang, Xích Thổ, Thạch Bình và Văn Phương thuộc huyện Nho Quan.

Địa hình

Địa hình Ninh Bình phân chia thành ba vùng tương đối rõ nét, vùng đồi núi ở phía Tây và Tây Bắc; vùng đồng bằng và vùng ven biển phía Đông và phía Nam.

Dãy núi đá vôi ở phía Tây của tỉnh chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bắt nguồn từ vùng núi rừng Hoà Bình chạy ra biển tạo thành vùng phù sa cổ ven chân núi. Do quá trình tạo sơn hơn 200 triệu năm về trước đã tạo nên nhiều hang động đẹp như: Tam Cốc, Bích Động, Xuyên Thuỷ Động, Địch Lộng, hang động Tràng An,… Tiếp đó là vùng đồng chiêm trũng ở các huyện: Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô. Do phù sa bồi đắp hàng năm, đồng bằng tiến ra biển từ 80 – 100m, tạo nên vùng đất mới phì nhiêu, màu mỡ.

Mỗi vùng có tiềm năng và thế mạnh riêng, song ba vùng có thể bổ sung, hỗ trợ nhau để phát triển nền kinh tế hàng hoá toàn diện cả cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ, hải sản, công nghiệp vật liệu xây dựng và công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm.

Khí hậu

Do đặc điểm về địa lý, địa hình đa dạng, nên khí hậu Ninh Bình cũng mang những nét đặc trưng của khí hậu đồng bằng Bắc bộ và có ảnh hưởng sắc thái khí hậu vùng Thanh Hoá và khu 4 cũ. Khí hậu của Ninh Bình thuộc vùng tiểu khí hậu của đồng bằng sông Hồng. Nhiệt độ trung bình năm là 23,10C. Tổng lượng mưa trung bình trong năm đạt 151,9mm, phân bố tương đối đồng đều trên toàn tỉnh. Trung bình một năm có 125 – 157 ngày mưa. Lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 11, chiếm 80 – 90% lượng mưa cả năm.

Sông ngòi, thuỷ văn

Hệ thống sông ngòi ở Ninh Bình bao gồm hệ thống sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Bôi, sông Ân, sông Vạc, sông Lạng, sông Vân Sàng, với tổng chiều dài 496km, phân bố rộng khắp trong toàn tỉnh. Mật độ sông suối bình quân 0,5km/km2, các sông thường chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam để đổ ra biển Đông.

Chế độ thuỷ triều ven biển Ninh Bình là chế độ nhật triều, ngoài ra còn có trường hợp bán nhật triều và triều tạp. Thời gian triều lên trong khoảng 8 giờ, triều xuống 16 giờ. Khi triều cường thì thời gian lên xuống ± 1 giờ. Nhìn chung, thuỷ triều Ninh Bình tương đối yếu, biên độ thuỷ triều trung bình trong ngày khoảng 150-180cm, lớn nhất là 270cm, nhỏ nhất 2-5cm.

Tài nguyên thiên nhiên

* Tài nguyên đất

Các nhà nông học và thổ nhưỡng học phân chia đất đai Ninh Bình thành 19 loại, gộp thành 5 nhóm cơ bản, trong đó nhóm đất phù sa có diện tích 74.529,8ha, chiếm 53% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Tài nguyên đất của Ninh Bình có độ phì trung bình với 3 loại địa hình là đồi núi, đồng bằng và ven biển, vì thế tỉnh có thế mạnh để phát triển nông, lâm nghiệp kết hợp, theo hướng đa dạng hoá. Vùng đồi núi có nhiều tiềm năng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp vật liệu xây dựng.

* Tài nguyên rừng

Những đặc điểm về địa hình, khí hậu đã tạo điều kiện cho Ninh Bình có diện tích rừng lớn nhất so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng: 27.101ha.

Diện tích rừng tự nhiên là 23.526ha, tập trung chủ yếu ở Nho Quan. Trong đó, rừng Cúc Phương thuộc loại rừng nhiệt đới điển hình, có nhiều loại động, thực vật quý hiếm như: kiêng, lát hoa, chò chỉ, báo gấm, báo lửa, gấu ngựa, sóc bụng đỏ, voọc mông trắng,…

Diện tích rừng trồng đạt 3.575ha, tập trung ở huyện Nho Quan, Hoa Lư, Kim Sơn, thị xã Tam Điệp, với cây trồng chủ yếu là thông nhựa, keo, bạch đàn, cây ngập mặn,…

* Tài nguyên biển

Ninh Bình có chiều dài bờ biển xấp xỉ 18km, với hàng ngàn ha bãi bồi, hàng chục ngàn ha lãnh hải. Cửa Đáy là cửa lớn nhất, có độ sâu tương đối, đảm bảo tàu thuyền lớn, trọng tải hàng ngàn tấn ra vào thuận tiện.

Vùng biển Ninh Bình có tiềm năng nuôi trồng, khai thác, đánh bắt nguồn lợi hải sản với sản lượng từ 2.000 – 2.500 tấn/năm.

* Tài nguyên khoáng sản

Đá vôi là nguồn tài nguyên khoáng sản lớn nhất của Ninh Bình. Những dãy núi trải dài từ Hoà Bình, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, qua Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, thị xã Tam Điệp, Yên Mô tới tận biển Đông, dài hơn 40km, diện tích trên 1.200ha, là nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, Ninh Bình còn có nguồn nước khoáng thiên nhiên với trữ lượng lớn, chất lượng tốt, tập trung chủ yếu ở Cúc Phương (Nho Quan) và Kênh Gà (Gia Viễn) có thể khai thác phục vụ sinh hoạt, chế phẩm nước giải khát, chữa bệnh, phục vụ khách du lịch.

Tiềm năng du lịch

Ninh Bình có 1.499 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 79 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 235 di tích xếp hạng cấp tỉnh, điển hình như đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương, động Hoa Lư, đền thờ Trương Hán Siêu, đền thờ Nguyễn Công Trứ, chùa Địch Lộng, chùa Non Nước, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn…… những khu du lịch của Ninh Bình hầu hết có sự kết hợp giữa tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn như: Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc Bích Động, rừng Cúc Phương, nhà thờ đá Phát Diệm… Đây là đặc điểm thuận lợi cho việc hình thành những khu du lịch trọng điểm, có sức hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước.

Ninh Bình có 75 làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề đã và đang được đưa vào khai thác phục vụ du lịch như làng nghề thêu ren Văn Lâm, chạm khắc đá Ninh Vân, gốm Gia Thủy, mỹ nghệ cói Kim Sơn, đồ gỗ Phúc Lộc, làng đá cảnh Bình Khang…

Ninh Bình nằm trong quy hoạch chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Ninh Bình xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Các cơ chế, chính sách pháp luật về phát triển du lịch luôn được quan tâm đổi mới hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư và quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình.

.