Nói đến chiếu phim lưu động ngày nay, nhiều người đã nghĩ rằng đó là loại hình đã lùi vào dĩ vãng, một kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Nhưng với những nhà quản lý, những người đang hoạt động trong ngành văn hóa, điện ảnh, luôn chăm lo, quan tâm đến thế mạnh của điện ảnh, và cả những người dân yêu mến loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng này mới hiểu và cảm nhận được hết ý nghĩa thiết thực của nó.
Một buổi chiếu phim lưu động tại xã Trường Yên Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, với sự ra đời của nhiều loại hình vui chơi, giải trí, điện ảnh cả nước ta đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức trong đó có điện ảnh tỉnh Ninh Bình. Điện ảnh tỉnh Ninh Bình với tên gọi Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Ninh Bình thực hiện hai nhiệm vụ chủ yếu là chiếu phim kinh doanh tại Rạp phục vụ nhu cầu giải trí của đại đa số nhân dân trên địa bàn thành phố và chiếu phim lưu động kết hợp tuyên truyền nhiệm vụ chính trị phục vụ cán bộ và nhân dân trong tỉnh, trong đó Trung tâm luôn coi chiếu phim lưu động là nhiệm vụ then chốt. Mặc dù vậy, những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương nhất là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Cục Điện ảnh, Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Ninh Bình đã có cơ hội để duy trì và khẳng định hiệu quả của loại hình văn hóa mang tính đặc thù này. Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Ninh Bình đã được trang bị xe chuyên dụng, hỗ trợ kinh phí mua máy chiếu phim kỹ thuật số hiện đại công nghệ HD chất lượng âm thanh và hình ảnh vượt trội để thay thế những cỗ máy chiếu phim nhựa cồng kềnh, không phù hợp với những bộ phim kỹ thuật số hiện nay, từ đó tạo động lực cho đội ngũ CBCNV Trung tâm yên tâm công tác, anh chị em công nhân phấn khởi khi đi chiếu phim được xe chuyên dụng vận chuyển người và máy móc đến điểm chiếu. Bình quân mỗi năm Trung tâm được giao chỉ tiêu 500 buổi chiếu phim. Do đó Trung tâm bố trí 03 đội chiếu phim lưu động bám sát địa bàn, chủ yếu đưa các bộ phim tài liệu, phim truyện đề tài lịch sử, chiến tranh Việt Nam phục vụ nhân dân, khơi dậy truyền thống cách mạng, văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thường xuyên nghiên cứu thay đổi nội dung chương trình để đáp ứng nhu cầu giải trí của đông đảo tầng lớp nhân dân, từ đó giúp nhân dân thay đổi nhận thức về xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Hàng năm, không chỉ chiếu phim tuyên truyền nhiệm vụ chính trị nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của tỉnh, Trung tâm còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh chiếu phục vụ cán bộ lão thành cách mạng, thương bệnh binh, người có công với nước, các đảng bộ, chi bộ; chiếu phục vụ ngoại khóa cho học sinh, sinh viên…trong đó phải kể đến việc đầu tư kinh phí mua sắm các công cụ hỗ trợ để thực hiện buổi chiếu vào các khung giờ ban ngày tại các phòng học, hội trường, nhà đa năng… Dịp kỷ niệm 71 năm cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2016) và quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2016), Trung tâm đã và đang thực hiện có hiệu quả các buổi chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân trong tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Trung tâm đã bố trí khoa học về con người, đặc biệt động viên lực lượng trẻ tuổi hăng say với nghề nghiệp, chuẩn bị chu đáo về máy móc, trang thiết bị để sẵn sàng lên đường. Song một yếu tố rất quan trọng làm nên thành công của buổi chiếu đó là sự vào cuộc của lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể địa phương. Các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động như: phối hợp với hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, an ninh phường, xã, tổ dân phố, thôn, xóm….triển khai tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, sắp xếp bàn, ghế phục vụ nhân dân, tạo khí thế sôi nổi cho buổi chiếu. Các bộ phim về đề tài chiến tranh như: Sinh mệnh, Mùi cỏ cháy, Đừng đốt, Những người viết huyền thoại…và những bộ phim về Bác Hồ kính yêu: Vượt qua bến Thượng Hải, Thầu Chín ở Xiêm,…vẫn luôn mang tính thời sự được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Mặc dù vậy, trong thời đại hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là Internet đã đặt ra một thực tế đáng buồn đó là các buổi chiếu phim lưu động thu hút chủ yếu các khán giả ở độ tuổi trung niên và cao tuổi còn giới trẻ – đối tượng chính cần được tuyên truyền thì lại không “mặn mà” lắm. Chính vì thế, để công tác chiếu phim lưu động đạt hiệu quả cao cần có sự quan tâm, đầu tư, phối hợp thường xuyên của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, sự đóng góp tự nguyện, tích cực của những người thường được ví là “vác tù và hàng tổng”, nhất là sự nhiệt huyết yêu ngành, yêu nghề và tinh thần không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn của các Cán bộ công nhân viên của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Ninh Bình để điện ảnh đặc biệt là chiếu phim lưu động luôn là cầu nối đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước đến với nhân dân, đưa những “món ăn tinh thần” bổ ích để nhân dân thưởng thức, làm giảm đi sự chênh lệch mức độ hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội theo tinh thần Nghị quyết lần thứ XII của Đảng./. |
Nguồn: Bản tin VHTTDL Ninh Bình số 3/2016 |