Lễ hội đền Kiếp Bạc thu hút đông đảo du khách viếng thăm không chỉ bởi sự thiêng liêng trong các nghi lễ truyền thống mà còn bởi cả phần hội sôi động và đặc sắc với những màn trình diễn, những trò chơi không phải nơi nào cũng có.
Linh thiêng lễ “giỗ cha” Mỗi khi tiết thu về, khí trời bắt đầu se se dễ chịu, là lúc lời nhắc nhở của dân gian lại vọng về: “Dù ai buôn bán gần xa/Hai mươi tháng tám giỗ Cha thì về.“. Lễ hội Kiếp Bạc mùa thu được kính cẩn gọi là “giỗ Cha” vì tấm lòng nhân dân luôn ngưỡng vọng biết ơn người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.. Và lễ hội Kiếp Bạc vì thế cũng được tổ chức hết sức thành kính thiêng liêng hàng trăm năm qua. Lễ hội truyền thống Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 10 – 20/8 âm lịch hàng năm với nhiều nghi lễ trang trọng như: lễ cáo yết, lễ khai ấn, lễ rước bộ, lễ dâng hương, lễ tế, lễ hội quân trên sông Lục Đầu, diễn xướng hầu thánh, lễ cầu an, hội hoa đăng. Sự hấp dẫn không chỉ bởi quy mô, mà chứa đựng trong đó các giá trị truyền thống được kết tinh hàng nghìn năm, trở thành một lễ hội tâm linh không thể thiếu trong đời sống người dân Việt. Mở đầu cho các nghi lễ là lễ cáo yết xin mở cửa đền – được tổ chức ngày 10/8 âm lịch hàng năm, bắt đầu là lễ dâng hương của Ban Tổ chức; lễ tế của hai làng Vạn Yên và Dược Sơn kính cáo tới Đức Thánh được xin khai mở hội. Trước khi lễ dâng hương diễn ra, lễ rước bộ của hai làng Vạn Yên và Dược Sơn (nay là 3 thôn Bắc Đẩu, Vạn Yên, Dược Sơn) được tổ chức. Lễ rước bộ là nghi lễ quan trọng, là cuộc diễu hành phô trương lực lượng, là sự mô phỏng cuộc ra quân xưa, khơi dậy lòng tự hào bởi những chiến công hiển hách của cha ông. Đoàn rước với nhiều loại khí trượng từ cờ hoa, bát biểu, chấp kích, long đình, kiệu thờ; lễ phẩm với đủ loại cỗ chay, cỗ mặn của dân làng dâng lên Đức Thánh. Việc tuyển chọn người rước cũng được quy định chặt chẽ, phải được dân làng lựa chọn, cắt cử. Người trực tiếp tham gia rước (gọi là giai đô) là nam thanh, nữ tú tuổi từ 18 trở lên. Nam phải có sức khỏe, nữ có nhan sắc, không có điều tiếng trong làng xóm. Ai được chọn trong đội rước là vinh dự cho bản thân và gia đình. Lễ rước được tổng duyệt trước hôm lễ chính diễn ra nhằm đạt kết quả tốt nhất. Ngày chính hội, cờ hoa được trang hoàng rực rỡ dọc theo tuyến rước từ đền Nam Tào, Bắc Đẩu xuống đền Kiếp Bạc. Sáng ngày 16/8 âm lịch, dân làng đủ các thành phần nam phụ lão ấu kéo ra đền dự lễ. Theo quy định, đoàn rước sẽ được tập kết ở đền Nam Tào và Bắc Đẩu rồi rước lễ phẩm về đền Kiếp Bạc tế Thánh. Lễ rước tổ chức hoành tráng với tiếng nhạc, chiêng trống rộn rã tưng bừng. Trang phục của những người đi rước được thêu rồng phượng lộng lẫy. Theo quan niệm từ xưa, làng nào tiến được Long đình qua nghi môn trước thì năm đó dân làng làm ăn hanh thông hơn. Vì vậy làng nào cũng khẩn trương để rước được kiệu thánh qua nghi môn trước, tạo nên không khí hối hả, tất bật. Sau đó, lễ dâng hương được tổ chức rất trang trọng và hoành tráng với những màn múa văn nghệ, biểu diễn trống hội, múa rồng, lân. Tại lễ tưởng niệm, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đọc diễn văn tưởng niệm Trần Hưng Đạo, đọc văn tế Đức Thánh Trần; đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các Ban, ngành trung ương, địa phương; nhân dân, du khách thập phương lên dâng hương. Kết thúc lễ tưởng niệm là lễ tế truyền thống của 2 làng Vạn Yên và Dược Sơn. Tế lễ là nghi lễ đặc biệt quan trọng, thể hiện lòng tôn kính, nhắc nhở công lao to lớn của Đức Thánh Trần, cầu mong mưa thuận gió hòa nhân khang vật thịnh. Kết thúc khóa tế, nhân dân xin rước lễ về đền Nam Tào, Bắc Đẩu và chia đều phần lộc cho các thành viên. Một trong những nghi lễ quan trọng ở Kiếp Bạc là lễ cầu an và hội hoa đăng, được tổ chức nhằm tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì tổ quốc ở mọi thời kỳ. Đến ngày chính kỵ 20/8 âm lịch, Ban Tổ chức làm lễ giỗ Đức Thánh Trần tại núi Mâm Xôi và đền Kiếp Bạc. Lễ giỗ được tổ chức với lễ rước từ đền lên núi Mâm Xôi và lễ tế tạ tại đền. Tương truyền, núi Mâm Xôi là nơi ngài hóa trở về trời. Nghi lễ do các nhà sư thực hiện theo quy định truyền thống, thu hút hàng vạn người tham dự. Bảo vật quốc gia bia Thanh Hư Động Trong lễ hội Kiếp Bạc, không thể không nói đến lễ ban ấn Đức Thánh Trần. Trong tâm linh người Việt, Hưng Đạo Vương không chỉ là một thiên tài quân sự, một vị anh hùng dân tộc kiệt xuất mà còn là một vị Thánh, là Đức Phật giúp dân, giúp nước. Bởi vậy, cứ mỗi dịp “tháng tám giỗ Cha” người dân lại về đây xin phù ấn của Đức Thánh, cầu ngài phù hộ. Lễ ban ấn được tổ chức vào tối ngày 16/8 âm lịch. Nghi lễ diễn ra long trọng, sau lễ mật định của các hòa thượng, ngoài sông Lục Đầu tổ chức đốt pháo bông, thả đèn trời chào mừng đại lễ. Nhân dân thập phương tề tựu, xếp hàng vào đền xin dấu ấn với ước vọng được Đức Thánh phù hộ, che chở, toát lên sự nghiêm trang thành kính. Hấp dẫn các màn diễn xướng Một hoạt động đặc sắc của lễ hội Kiếp Bạc mà hiếm có lễ hội nào có được là lễ hội quân trên sông Lục Đầu. Hàng chục chiếc thuyền kết đèn hoa rực rỡ làm sáng rực cả dòng sông Lục Đầu, tái diễn lại những chiến công hiển hách của cha ông năm xưa trên mảnh đất Vạn Kiếp. Diễn trình lễ hội quân được thể hiện dưới 3 chủ đề Hào Khí Đông A, Hùng Khí Lục Đầu, Ca khúc khải hoàn. Mỗi chủ đề mang một ý nghĩa, biểu trưng khác nhau nhưng đề chứa đựng và truyền tải những âm hưởng hào hùng, niềm tự hào về những chiến công hiển hách. Đi đầu là 2 thuyền chủ mang biển hiệu “Nhạc độc chung linh” và “Âm dương hợp đức”, kế tiếp là 5 thuyền mang biển Thanh Long, Bạch Hổ, sau cùng là đoàn thuyền mang biển chữ của câu đối “Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí; Lục Đầu vô thủy bất thu thanh” trong tiếng hò reo vang trời của quân sĩ trên thuyền cùng hàng nghìn đội quân gậy, đội võ Nhất Nam hò reo theo nhịp trống trước sự chứng kiến của hàng vạn nhân dân thập phương… Trong lễ hội, nghi lễ hầu đồng cũng được tổ chức nhằm tôn vinh công lao, uy đức của Đức Thánh Trần. Hầu Thánh có rất nhiều nghi lễ, lễ tiết, diễn xướng khác nhau. Liên hoan diễn xướng hầu Thánh thường được tổ chức vào 3 buổi tối từ 15 – 18/8 âm lịch. Trong không gian đầy màu sắc lung linh, huyền ảo, các thanh đồng hóa thân vào bóng các vị Thánh, ban tài, phát lộc, cầu phúc, cầu an… cho nhân dân. Mọi mệt nhọc, lo âu, ưu phiền đều tan biến, thay vào đó là cảm giác thanh thản, thoải mái và cùng được thăng hoa. Một không khí thiêng liêng, hân hoan lan tỏa khắp đền Kiếp Bạc. Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều trò chơi dân gian cũng được tổ chức như: đua thuyền, đấu vật, bắt phỗng, bắt vịt, đập niêu, múa rối nước, hát quan họ, hát văn… góp phần làm cho lễ hội đông vui và náo nhiệt hơn. Trong những năm qua, di tích Kiếp Bạc luôn được Nhà nước, UBND tỉnh Hải Dương cùng nhân dân đầu tư, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị của di tích. Nhiều hạng mục công trình được tu sửa, tôn tạo. Đặc biệt năm 2012, dự án tu bổ, tôn tạo đền Kiếp Bạc thuộc “Quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án được chia thành 2 giai đoạn với 12 hạng mục công trình. Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích đền Kiếp Bạc đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước cùng với việc xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở đường giao thông, hệ thống cảnh quan sẽ phục vụ hiệu quả cho việc tổ chức lễ hội, nghiên cứu, học tập, du lịch tâm linh, văn hóa lịch sử, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh và khu vực. |
Trung tâm TTXTDL Hải Dương |