Trong quá trình triển khai xây dựng các xã nông thôn mới, làm thế nào hoàn thành 19 tiêu chí (vốn bao quát toàn diện các vấn đề cơ bản ở nông thôn hiện nay) là một bài toán khó, không dễ có lời giải trong ngày một, ngày hai.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh trao Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho 2 cá nhân tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH Để vừa đạt được mục tiêu về số lượng, vừa đảm bảo về chất lượng 19 tiêu chí, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Trong 19 tiêu chí đó, có hai tiêu chí mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp tham mưu, chỉ đạo là: Tiêu chí số 06 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn. Câu hỏi đặt ra là: Làm gì để các xã về đích nông thôn mới cơ bản có đời sống no ấm – sung túc cả về vật chất lẫn tinh thần, phát huy được sức mạnh của cộng đồng dân cư chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Văn hóa là yếu tố then chốt. Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu lớn lao được xác định: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chương trình đặt ra vô số các vấn đề cần nỗ lực giải quyết, trong đó trước mắt và lâu dài phải xây dựng Gia đình văn hóa, Thôn (làng, bản, xóm) văn hóa, con người nông thôn phát triển toàn diện, có lối sống, nếp sống văn hoá. Để các chủ trương, đường lối về xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống, 5 năm qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cơ sở như: Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội; Kế hoạch số 05-KH/BCĐ ngày 03/5/2012 về việc thực hiện Chương trình phát triển văn hóa – xã hội tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2011 – 2015; đặc biệt Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 28/7/2014 của Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. UBND tỉnh ban hành Quyết định 207/QĐ-UBND ngày 26/3/2012 Phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Ninh Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 13/8/2012 về phát triển văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích xây mới và sửa chữa Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn, bản; triển khai Đề án 212 đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế văn hóa cấp xã và cấp thôn. 5 năm qua, Sở ban hành 13 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai các giải pháp thực hiện các tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Sở chủ động phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi luyện tập thể dục, thể thao, điểm vui chơi cho trẻ em ở cơ sở; Phối hợp với Sở Tư pháp bổ sung nội dung bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào hương ước, quy ước; Cùng với Sở Lao động Thương binh – Xã hội chỉ đạo 16 xã làm điểm bổ sung nội dung Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình,… vào Hương ước, Quy ước trong cộng đồng dân cư. Ký kết với Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh chương trình xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đến năm 2020; với Ban đại diện Người cao tuổi tỉnh về “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, xây dựng, phát triển gia đình bền vững của người cao tuổi giai đoạn 2011 – 2015”; với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát triển văn học nghệ thuật, đẩy mạnh sáng tác đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn; với các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân về các chủ trương, chính sách phát triển văn hoá, về xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa. Thực tế cho thấy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn, địa phương nào mà người đứng đầu quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác văn hóa, thì sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa nói chung và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nói riêng luôn phát triển mạnh mẽ, tạo khí thế sôi nổi, nhân dân hăng say lao động, sản xuất, kinh tế phát triển, tệ nạn xã hội bị đẩy lùi, an ninh chính trị được giữ vững. Công tác xây dựng đời sống văn hóa, thực sự góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm con người, tạo sức mạnh tổng hợp, đoàn kết xây dựng nông thôn. Ngược lại, nếu người đứng đầu ít quan tâm, thì địa phương sẽ không có phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Đ/c Phó chủ tịch UBND tỉnh Tống Quang Thìn tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân và tập thể tiêu biểu Sự linh hoạt trong thực hiện mang đến những thành quả lớn Xác định vai trò quan trọng của yếu tố văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã và đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cũng như tích cực xây dựng đời sống văn hóa nông thôn. Trước hết việc đăng ký bình xét công nhận “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” được tổ chức kịp thời, đúng đối tượng, công khai và dân chủ. Nhiều gia đình đã hiến đất, ủng hộ tiền của, ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội, đường giao thông, kênh mương, đặc biệt là xây dựng Nhà văn hóa, khu thể thao của xã, của thôn. Đến năm 2015, toàn tỉnh có 188.663/222.712 hộ gia đình nông thôn đạt danh hiệu Văn hóa (tỷ lệ 85%) và 982/1.350 thôn (xóm, bản) đạt danh hiệu Làng văn hóa (tỷ lệ 72,7%) và 43 xã đạt chuẩn “Xã văn hóa nông thôn mới”. Tính đến tháng 6 năm 2016, có 52/119 xã của tỉnh có Nhà văn hóa, khu thể thao (tỷ lệ 43,7%); 1.124/1.350 thôn có Nhà văn hóa – Khu thể thao (tỷ lệ 83,4%); Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nông thôn đã đáp ứng chức năng, nhiệm vụ của mình, thành nơi gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng làng, xã; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và xây dựng nông thôn mới. Nhìn chung, các Nhà văn hóa xã đã cơ bản đủ cơ sở vật chất phục vụ các cuộc hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Diện tích đất dành cho xây dựng Nhà văn hóa, khu thể thao cơ bản đảm bảo theo quy hoạch tổng thể nông thôn mới, có các công trình phụ trợ, phòng riêng biệt; trang bị thiết bị truyền thanh 3 cấp, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phổ biến chuyển giao kỹ thuật sản xuất kinh doanh, giáo dục đời sống gia đình, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của địa phương. Hàng năm, Sở tổ chức các lớp tập huấn cho 100% cán bộ quản lý Văn hóa xã; hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức hoạt động mang tính định hướng như: Bồi dưỡng kiến thức xây dựng và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa thể thao xã, Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn. Để khai thác và phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng, từng địa phương, thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn nghệ quần chúng, các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình hoạt động như: Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; Tổ hòa giải; Câu lạc bộ đàn, hát dân ca; Câu lạc bộ gia đình văn nghệ, Gia đình thể thao, cùng với các Câu lạc bộ của các đoàn thể, đã thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng ở cơ sở. Đến nay, 20% xã có đội văn nghệ; 561 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng tự huy động kinh phí, duy trì hoạt động. Từ năm 2012 đến nay, tổ chức trên 600 cuộc thi đấu thể dục, thể thao ở cơ sở. Hiện nay, có 27% người dân tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên, 22,3% gia đình thể thao. Trung bình mỗi năm tổ chức trên 200 buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng. Các sản phẩm văn hoá phục vụ nông dân, đặc biệt chú trọng tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. 5 năm qua đã thực hiện gần 200 chương trình nghệ thuật biểu diễn; 825 đợt chiếu phim; củng cố hệ thống Thư viện cấp huyện, Tủ sách, phòng đọc tại các Trung tâm văn hóa xã, Nhà văn hóa thôn, bản; luân chuyển 350.000 lượt sách, báo, tặng 5.000 bản sách cho thư viện, phòng đọc cơ sở; phục vụ 154.790 lượt độc giả tại các địa phương. Hàng năm, duy trì các cuộc thi đấu thể thao, hội diễn nghệ thuật quần chúng từ cơ sở lên đến tỉnh. Về cơ bản các địa phương trong tỉnh được thực hiện nghiêm túc Quyết định số 03/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nếp sống văn hóa mới đã và đang hình thành; cảnh quan môi tường nông thôn có nhiều khởi sắc; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần không còn chỗ đứng trong đời sống thường nhật; các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy. Kết quả trên đã khẳng định, phong trào xây dựng đời sống văn hóa nông thôn đã thấm sâu vào mỗi gia đình, thôn (xóm, bản), tình làng, nghĩa xóm được gắn bó; tiếp thêm nhịp điệu, sức sống mới trên các làng quê; hợp thành yếu tố quan trọng thắng lợi của hành trình xây dựng nông thôn mới. Những khó khăn đặt ra. Có thể khẳng định, những năm qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình đã nỗ lực tham mưu và tổ chức có hiệu quả nội dung xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Song, ở một số địa phương vẫn còn lúng túng, khó khăn trong việc thực hiện hai tiêu chí về văn hóa. Ngoài những khó khăn về nguồn lực, về tính bền vững danh hiệu thôn (làng, xóm, bản) văn hóa, thì có một nguyên nhân cốt lõi là nhận thức của cộng đồng, về vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở đối với công tác văn hóa. Kết quả khảo sát và thực tiễn cho thấy, nhận thức của người dân, của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số xã về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội chưa đầy đủ, chưa hài hòa. Một số địa phương chỉ coi trọng phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng nhiều đến công tác văn hóa – xã hội, chưa thấy được tầm quan trọng của đời sống văn hóa tinh thần trong phát triển kinh tế. Ở một số Chi bộ thôn xóm, trong các vấn đề cần bàn, có ít nội dung liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa… Nhiệm vụ đang chờ phía trước Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015 – 2020) chỉ ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm cuối nhiệm kỳ có 75 xã và 02 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”. Để góp phần thực hiện mục tiêu đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban ngành đoàn thể các cấp thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm là: – Đẩy mạnh và gắn kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. – Nâng cao chất lượng xây dựng Gia đình văn hoá; Làng (thôn, xóm, bản) văn hoá; tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng người dân nông thôn phát triển toàn diện, có lối sống, nếp sống văn hoá. – Xây dựng môi trường văn hoá nông thôn lành mạnh; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc; đẩy lùi các tệ nạn xã hội. – Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá việc xây dựng các thiết chế và hoạt động văn hoá, thể thao ở nông thôn thúc đẩy phát triển phong trào văn hóa, thể thao, góp phần xây dựng đời sống văn hóa nông thôn phát triển bền vững. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên, là cả một quá trình vượt qua những khó khăn và lâu dài, đòi hỏi có sự phấn đấu không ngừng. Song điểm xuất phát trước hết từ nhận thức của từng cá nhân, sự chung sức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, hướng đến lợi ích của từng gia đình, từng thôn, làng, xóm, bản cùng “xây dựng đời sống văn hoá”. Hy vọng với sự quyết tâm và đồng thuận, Ninh Bình sớm đạt được các mục tiêu của sự nghiệp xây dựng nông thôn mới./. |
Nguồn: Bản tin VHTTDL Ninh Bình số 3/2016 |