Văn HóaDi sản thế giới Tràng An

Văn HóaDi sản thế giới Tràng An

Cập nhật:Chủ nhật, 25/01/2015

Văn HóaDi sản thế giới Tràng An


Ngày 23/6/2014 vào lúc 11h57’ giờ Qatar (tức 15h57’ giờ Việt Nam) tại thủ đô Doha, Qatar, Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình của Việt Nam) là Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây là sự kiện văn hóa lớn làm nức lòng nhân dân tỉnh Ninh Bình, đồng bào cả nước và được nhiều quốc gia trên thế giới chào đón nồng nhiệt.

 

Nhận diện giá trị Di sản

Quần thể danh thắng Tràng An (Tràng An) trải rộng trên địa bàn 20 xã, phường của các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình với diện tích hơn 12.000ha, được bao bọc bởi 4 dòng sông: Sông Hoàng Long ở phía Bắc, sông Hệ ở phía Nam, sông Bến Đang ở phía Tây và sông Chanh ở phía Đông. Trong khu di sản có trên 40 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Cố đô Hoa Lư và Danh thắng Tràng An, Tam Cốc – Bích Động. 

Quần thể danh thắng Tràng An hội tụ đầy đủ các giá trị về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đẹp kỳ vĩ, tráng lệ, được hình thành từ sự kết hợp hài hòa về hình sông, thế núi, các hồ nước, và hang động xuyên thủy, các quần thể động, thực vật còn hoang sơ, nguyên vẹn với các di chỉ khảo cổ học còn mang đậm dấu ấn về truyền thống cư trú của con người qua hàng chục nghìn năm.
 

Non nước Tràng An

Nhận thức được  những giá trị về tiềm năng văn hóa và thiên nhiên của vùng đất Cố đô Hoa Lư và Tràng An, ngay từ đầu những năm 1990 của thế kỷ XX, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trình UNESCO đưa khu di tích Cố đô Hoa Lư vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ Di sản thế giới. Tuy nhiên, sau khi tham vấn Tiến sĩ Richard Engelhard chuyên gia cao cấp UNESCO, các công trình và kết quả nghiên cứu về giá trị văn hóa của di sản vào thời điểm lúc đó chưa đủ cơ sở khoa học cho việc lập hồ sơ. 

Vào năm 2003, có một sự kiện đáng nhớ diễn ra là theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Văn hóa – Thông Tin, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 82/2003/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư. Đây chính là cơ sở quan trọng cho tỉnh Ninh Bình triển khai hàng loạt các dự án nghiên cứu, khai quật khảo cổ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong khu vực Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc – Bích Động, khu sinh thái Tràng An và chùa Bái Đính. 

Trong những năm từ 2007 đến 2011, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Ninh Bình, cùng với sự hỗ trợ tích cực của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, đã phối hợp với Viện Khảo cổ, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Trường Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) và Tiến sỹ Nishimura, chuyên gia khảo cổ học Nhật Bản triển khai nhiều dự án nghiên cứu về giá trị cảnh quan địa chất, địa mạo và khai quật khảo cổ học. Với những kết quả nghiên cứu về tự nhiên cho thấy toàn bộ khối đá vôi Tràng An có tuổi địa chất trên 250 triệu năm, cảnh quan tháp kart (đá vôi) là khu vực đẹp và ngoạn mục mang vẻ đẹp siêu nhiên; đặc biệt, nghiên cứu về cảnh quan văn hóa, đã phát hiện nhiều địa điểm hang động có dấu vết của người tiền sử đã cư trú tồn tại ở Tràng An cách đây từ 25.000 đến 30.000 năm.

Từ những kết quả nghiên cứu đã được các nhà khoa học phát hiện và công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín, các chuyên gia thấy rằng Tràng An có nhiều giá trị tiêu biểu về thiên nhiên và văn hóa, có tiềm năng đáp ứng các tiêu chí của UNESCO để trở thành Di sản thế giới.

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng – Biểu tượng văn hóa vùng đất Cố đô

Nhận diện giá trị Di sản, cánh cửa để Tràng An hướng tới Di sản thế giới rộng mở hơn so với những năm trước. Ngày 03/8/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Ninh Bình lập hồ sơ. Và cũng trong năm ấy, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan Việt Nam, Trung tâm Di sản thế giới đã chính thức đưa Quần thể danh thắng Tràng An vào danh mục dự kiến xây dựng Hồ sơ di sản thế giới.

Quá trình xây dựng Hồ sơ

Công việc xây dựng hồ sơ di sản được tiến hành rất khẩn trương. Để đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng hồ sơ, ngày 11/10/2011 tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban xây dựng hồ sơ di sản, sau này nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban và ngày 05/3/2012 Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An với nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là xây dựng hồ sơ di sản, đảm bảo trong  thời gian ngắn nhất, hoàn thành hồ sơ đạt chất lượng cao nhất để sớm trình UNESCO xem xét, công nhận Tràng An là Di sản thế giới vào năm 2014. 

Quá trình xây dựng hồ sơ, ban đầu các chuyên gia trong nước đề xuất nghiên cứu đề cử 2 tiêu chí về thiên nhiên, đó là giá trị thẩm mỹ và giá trị địa chất địa mạo, Tuy nhiên để lựa chọn đúng tiêu chí cho việc xây dựng hồ sơ, Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ của tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học. Cuộc hội thảo đã thu hút được nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia, qua hội thảo, Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ đã lựa chọn được 3 tiêu chí đề cử di sản lập hồ sơ trình UNESCO gồm tiêu chí (V) “là thí dụ nổi bật về truyền thống cư trú và sử dụng đất của loài người, đại diện cho sự tương tác của con người với môi trường”; tiêu chí (VII) “chứa đựng các hiện tượng siêu nhiên hoặc các khu vực có vẻ đẹp tự nhiên và giá trị thẩm mỹ đặc biệt”; tiêu chí (VIII) “là thí dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của trái đất, bao gồm các bằng chứng về sự sống, các quá trình địa chất quan trọng đang diễn ra trong quá trình tiến hóa của cảnh quan hoặc các đặc điểm địa mạo hay thủy văn nổi bật”.

Được sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sau gần 6 tháng làm việc vất vả với tất cả lòng say mê, trách nhiệm và nhiệt huyết của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong nước, quốc tế và tập thể cán bộ và nhân viên Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, tháng 9/2012, Dự thảo hồ sơ lần I cơ bản được hoàn thành. Được sự đồng ý của Thủ tưởng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã ký hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình, hồ sơ được gửi tới Trung tâm Di sản Thế giới tại Paris để tham vấn, cho ý kiến. 

Ngày 15/11/2012, tỉnh Ninh Bình nhận được thông báo ý kiến đánh giá về hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An, Trung tâm Di sản thế giới đánh giá bộ hồ sơ đề cử được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, khoa học và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuyên gia UNESCO, phần chỉnh sửa rất nhỏ. 

Tiếp thu những góp ý của Trung tâm Di sản Thế giới, chúng ta đã chỉnh sửa, bổ xung hồ sơ và ngày 17/1/2013 Bộ hồ sơ chính thức đề cử Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản thế giới đã hoàn thành và nộp cho Trung tâm Di sản Thế giới trước thời hạn 13 ngày (theo quy định của UNESCO, hồ sơ cần được gửi tới trụ sở UNESCO tại Paris trước 7 giờ ngày 31/1/2013. Nếu muộn hơn thời điểm đó hồ sơ sẽ không được tiếp nhận để xem xét). Sau khi nhận được hồ sơ, Ủy ban Di sản Thế giới đã cử các chuyên gia thuộc các cơ quan tư vấn của UNESCO là Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (IUCN) và Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (ICOMOS) sang Việt Nam thẩm định, đánh giá hồ sơ tại Tràng An.

Nhìn chung các chuyên gia thẩm định của UNESCO đã đánh giá rất tích cực cho Hồ sơ di sản Tràng An. Tuy nhiên, trong thời gian này, do có công ty xi măng gửi đơn tới UNESCO đề nghị đưa vùng quy hoạch nguyên liệu xi măng ra ngoài vùng bảo vệ di sản dẫn đến Hồ sơ Tràng An có nguy cơ đi vào ngõ cụt, đầy khó khăn, thách thức. Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ của tỉnh đã chủ động, kịp thời báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và các Bộ ngành liên quan về các phương án để giải quyết với mong muốn Tràng An được công nhận là Di sản thế giới, đồng thời vẫn giải quyết đủ vùng nguyên liệu cho sản xuất xi măng và ổn định môi trường đầu tư.

Vinh danh Di sản Thế giới – Tràng An

Sau một năm rưỡi thẩm định, đánh giá hồ sơ, ngày 02/5/2014 Trung tâm Di sản Thế giới đã có văn bản thông báo đánh giá, khuyến nghị của các Cơ quan tư vấn UNESCO đối với Hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An trình UNESCO gửi tới Ủy ban Di sản Thế giới. Trong báo cáo, các cơ quan tư vấn đều khẳng định Quần thể danh thắng Tràng An có tiềm năng đáp ứng các tiêu chí về giá trị nổi bật toàn cầu. 

Tuy nhiên sau cuộc họp của Hội đồng thẩm định IUCN và ICOMOS, Tràng An vẫn bị kiến nghị ở mức D, vì chưa đáp ứng yêu cầu về tính toàn vẹn của di sản, chủ yếu do việc thu hẹp diện tích vùng đệm, dẫn tới công tác quản lý và bảo vệ di sản chưa đáp ứng các quy định của UNESCO. Nếu Ủy ban Di sản Thế giới đồng ý theo khuyến nghị này thì nhanh nhất là di sản Tràng An mới được đưa ra xem xét vào kỳ họp năm 2016. 

Đây thực sự là một thử thách lớn đối với Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ của tỉnh và nhóm xây dựng hồ sơ cùng các chuyên gia, bởi thời gian bổ sung hồ sơ chưa đầy một tháng rưỡi cho đến khi Ủy ban Di sản Thế giới họp khóa 38, mà nội dung phải bổ sung một số điểm quan trọng và phức tạp. 

Nội dung các vấn đề mà các cơ quan tư vấn UNESCO khuyến nghị đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ của tỉnh chỉ đạo khẩn trương xây dựng báo cáo giải trình, bổ sung hồ sơ để kịp trình lên khóa họp lần thứ 38 của Ủy ban Di sản Thế giới vào tháng 6 năm 2014.

Để hỗ trợ nhóm xây dựng hồ sơ trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ của tỉnh đã phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam mời giáo sư Paul Ding Wall, Tiến sỹ Ryan Rabett (trường Đại học Cambridge Vương quốc Anh) và các chuyên gia Việt Nam đến Ninh Bình, trực tiếp làm việc tại thực địa, không kể ngày đêm, vừa nghiên cứu bổ sung vào hồ sơ, vừa chuẩn bị một văn bản dài 26 trang A4 với đầy đủ toàn bộ nội dung khoa học giải trình, phản biện lại các đánh giá khuyến nghị của các cơ quan tư vấn. Đồng thời phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa tổ chức gặp gỡ tiếp xúc với phái đoàn của các nước thành viên Ủy ban Di sản Thế giới bên cạnh UNESCO tại Paris (Cộng hòa Pháp) để giải thích, chứng minh những giá trị nổi bật toàn cầu của Tràng An về văn hóa và thiên nhiên nhằm thuyết phục các tổ chức của UNESCO ủng hộ cho hồ sơ Tràng An. 

Dự đoán trước được những khó khăn, thách thức do đánh giá hồ sơ Tràng An ở mức D, để chuẩn bị cho công việc bảo vệ hồ sơ, Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ của tỉnh đã quyết tâm rất cao, lựa chọn và mời các chuyên gia giỏi chuyên môn và ngoại ngữ, giàu kinh nghiệm tham gia đoàn công tác đi bảo vệ hồ sơ tại kỳ họp thứ 38 của Ủy ban Di sản Thế giới, tổ chức ở Doha (Qatar) từ ngày 15/6 đến ngày 25/6/2014. 

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự giúp đỡ nhiệt tình của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar và phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, ngay từ ngày đầu đến Qatar, đoàn công tác của tỉnh ta đã làm việc tích cực, không kể ngày đêm, giờ giấc, tận dụng mọi điều kiện, mọi cơ hội, tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ các đoàn chuyên gia các nước thành viên Ủy ban Di sản Thế giớitrong và bên lề phiên họp để giới thiệu và giải thích về hồ sơ cũng như những vấn đề khuyến nghị của các cơ quan tư vấn nhằm thuyết phục các nước trong Ủy ban Di sản Thế giới ủng hộ hồ sơ Tràng An trên cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. 

Vì vậy tại Hội nghị, sau khi đại diện của hai tổ chức IUCN và ICOMOS trình bầy bản báo cáo thẩm định vẫn giữ nguyên nhận xét đánh giá ban đầu: Hồ sơ Tràng An ở mức D (hồ sơ phải để lại tiếp tục hoàn thiện và thẩm định), Đoàn Malaysia phát biểu đầu tiên ủng hộ Tràng An của Việt Nam đã đáp ứng đủ tiêu chí để công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, rồi sau đó hầu hết các nước trong Ủy ban Di sản Thế giới phát biểu đều ủng hộ cho Tràng An. Sau gần 2 giờ tranh luận, chỉnh sửa Nghị quyết, tiếng gõ búa vang lên của chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới vào hồi 11h 57phút giờ Qatar ngày 23 tháng 6 năm 2014 đã đưa Quần thể danh thắng Tràng An vào Danh sách Di sản thế giới. Và ngày 25 tháng 6 năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới và trở thành di sản thứ 1004/1007 của thế giới, là di sản hỗn hợp thứ 31 trên thế giới, thứ 11 ở Châu Á Thái Bình Dương và là Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Đây thực sự là thắng lợi lớn tại kỳ họp này, bởi nỗ lực của Đoàn công tác tỉnh ta đã hoàn toàn đảo ngược tình thế và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ thành công Hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản thế giới. 

Quần thể danh thắng Tràng An – Hành trình trở thành Di sản Thế giới là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Các Bộ, ngành Trung ương; sự tham gia, đóng góp, giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế; của doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường và trên hết là sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của Di sản. 

Tự hào được sống trên vùng đất di sản, trong những ngày xuân năm mới, chúng ta rất vui mừng, phấn khởi chào đón sự kiện đặc biệt diễn ra vào ngày 23/1/2015, tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và thiên nhiên Thế giới. Đây cũng là dịp chúng ta bày tỏ cam kết quyết tâm làm hết sức mình bằng các chương trình hành động cụ thể để quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản để Tràng An mãi mãi là Di sản thế giới của nhân loại, trao truyền nguyên vẹn cho các thế hệ mai sau./.

Nguyễn Đức Long – Giám đốc BQL Quần thể danh thắng Tràng An


Ngày 23/6/2014 vào lúc 11h57’ giờ Qatar (tức 15h57’ giờ Việt Nam) tại thủ đô Doha, Qatar, Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình của Việt Nam) là Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây là sự kiện văn hóa lớn làm nức lòng nhân dân tỉnh Ninh Bình, đồng bào cả nước và được nhiều quốc gia trên thế giới chào đón nồng nhiệt.

 

Nhận diện giá trị Di sản