Sáng 17/8/2016 tại Hội trường Nhà hát chèo Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2015. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UV BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị còn có đ/c Trần Ngọc Quảng, UVBTV Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh; đ/c Tống Quang Thìn, phó chủ tịch UBND Tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh và gần 200 đại biểu đại diện BTVTU, thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh, UB MTTQ tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban ngành trong tỉnh; thành viên BCĐ các cấp; lãnh đạo Huyện ủy, thành ủy, phòng văn hóa thông tin các địa phương cùng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Phong trào. Đ/c Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở VHTTDL trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2015 Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong bốn nhóm giải pháp lớn được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. 15 năm qua (2010-2015) Phong trào đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của tỉnh Ninh Bình quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện; được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia nên ngày càng phát triển sâu rộng, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Phong trào xây dựng gương “Người tốt, việc tốt” và các điển hình tiên tiến được triển khai rộng rãi trên các lĩnh vực, gắn với phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành, đoàn thể. Kết quả đã có trên 250.000 người tốt, việc tốt được suy tôn ở các cấp tạo nên những tấm gương sáng, có sức thuyết phục, lan tỏa, góp phần tích cực tạo dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các tầng lớp nhân dân đã đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình; xây dựng môi trường cảnh quan sạch đẹp; đoàn kết phát huy dân chủ, chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau trong cộng đồng, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Tương thân tương ái”… 15 năm qua toàn tỉnh đã vận động ủng hộ người nghèo số tiền trên 69 tỷ đồng; 8/23 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 40/119 xã của tỉnh đạt danh hiệu “xã đạt chuẩn nông thôn mới”; 111/145 xã, phường, thị trấn và 1396/1673 thôn, bản, phố có Nhà văn hóa và Khu thể thao. Toàn tỉnh có 24,5% gia đình thể thao; 28,7% người dân tập luyện thể thao thường xuyên; 35.226 gia đình hiếu học, 810 dòng họ hiếu học; 81,4% trường học đạt chuẩn Quốc gia. Tỉnh Ninh Bình là đơn vị thứ 3 trong cả nước có tỷ lệ trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia cao nhất (78%), là một trong số ít tỉnh có 100% trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận làm tốt công tác người có công; 100% thôn, xóm, phố hoàn tất quy ước, hương ước được cấp có thẩm quyền phê duyệt… Phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, làng, bản, tổ dân phố văn hóa sau 15 năm triển khai vận động, đến nay đã có 74,6% làng, tổ dân phố văn hóa, trong đó nhiều đơn vị nhiều năm liên tục đạt danh hiệu làng văn hóa. Tiêu biểu là làng Nộn Khê, Yên Từ, huyện Yên Mô được chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH. Phong trào xây dựng “Cơ quan văn hóa”, “Đơn vị văn hóa”, “Doanh nghiệp văn hóa” trên địa bàn tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng, đi vào chiều sâu, có chất lượng. Đã có 59,3% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hóa; trên 500 sáng kiến và đề tài khoa học xuất sắc được UBND tỉnh khen thưởng, 165 tác giả sáng kiến, chủ nhiệm đề tài khoa học được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen và Huy hiệu Lao động sáng tạo đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, được áp dụng vào thực tiễn… Bên cạnh đó, cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có chuyển biến tích cực. Các lễ hội đã mang tính xã hội hóa cao. Tham luận của các đại biểu tại Hội nghị tập trung làm rõ thêm kết quả thực hiện các nội dung của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Phong trào. Theo đó, để Phong trào trong thời gian tới phát triển sâu rộng, thiết thực cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để củng cố, nâng cao nhận thức trong cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; đẩy mạnh phong trào xã hội hóa văn hóa, thu hút sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân xây dựng các thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao; phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ và đoàn thể chính trị xã hội; thành lập và tổ chức hoạt động có hiệu quả các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng; tăng cường kinh phí phát triển phong trào, tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, mở các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác phong trào ở cơ sở; tổ chức biểu dương những điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào… Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đ/c Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Sau 15 triển khai, phong trào TDĐKXDĐSVH đã thực sự trở thành phong trào rộng lớn, có sức lan tỏa và thu hút toàn xã hội tham gia; góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa ở các khu dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp; hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa được tăng cường; quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy, khả năng sáng tạo, quyền làm chủ của nhân dân được tôn trọng. Kết quả đạt được của phong trào là cơ sở hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, cải thiện hình ảnh Ninh Bình trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế. Đề cập tới những nội dung cần quan tâm để thực sự đưa văn hóa trở thành động lực, nét đẹp đặc trưng của Ninh Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh những vấn đề cốt lõi, có tính chất thời sự đó là: huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực cho xây dựng văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền, tạo cơ chế phát huy ý thức tự nguyện, sức sáng tạo văn hóa trong nhân dân; chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; gắn kết văn hóa với phát triển kinh tế, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh; nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa; nâng cao vai trò của các đoàn thể, đặc biệt là vai trò của gia đình trong xây dựng văn hóa… Nhân dịp này, hai nghệ nhân của Ninh Bình với những đóng góp xuất sắc trong giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã vinh dự được nhận Huy hiệu và Bằng công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”. 52 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong triển khai thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH cũng được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình. Đ/c Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phong trào phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và Kết luận Hội nghị Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đ/c Bí thư Tỉnh ủy và kết luận Hội nghị, đ/c Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phong trào nhấn mạnh: Ninh Bình là điểm đến sở hữu Di sản kép đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, do đó cần nỗ lực hơn nữa trong xây dựng con người Ninh Bình văn hóa, văn minh tương xứng với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Cố đô. Thời gian tới UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành tiếp tục quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, đẩy mạnh công tác truyền thông tới người dân; thường xuyên kiện toàn nâng cao chất lượng của BCĐ Phong trào các cấp, xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện; Tiếp tục quán triệt mục đích, ý nghĩa, nội dung phong trào, xây dựng nếp sống văn minh công cộng; Từng bước xây dựng nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa. Trên cơ sở kết quả 15 năm đã đạt được, các cấp ngành cần rút kinh nghiệm, đề ra những giải pháp thiết thực để tiếp tục triển khai hiệu quả Phong trào TDĐKXDĐSVH trong thời gian tới./. |
Trần Hằng – Xuân Lâm |