Thung Nội Lấm nằm cách bến thuyền Khu du lịch sinh thái Tràng An khoảng 300m về phía Tây Nam, là một địa điểm thuộc hành cung Vũ Lâm thời Trần, nằm trong vùng lõi của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Đây từng là nơi các vị vua nhà Trần lập căn cứ quân sự để củng cố lực lượng, phản công đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai và lần thứ 3.
Hố thám sát tại Thung Nội Lấm
Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Năm 2015, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An kết hợp với Viện Khảo cổ học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thăm dò khai quật thám sát khảo cổ tại di tích thung Nội Lấm thuộc xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Trong quá trình thám sát khai quật tại Thung Nội Lấm đã phát hiện các dấu tích đường đi, bể lọc và chứa nguyên liệu dùng làm đồ sành và đồ gốm, khu vực bến nước, nền đất đắp, các cọc tre, gỗ, cây gỗ v..v… Kết quả khảo sát và thám sát cho thấy con người có thể đã khai thác thung lũng này từ rất sớm. Số lượng lớn đồ sành, gốm men thời Trần như: Các mảnh tháp men xanh lục, mảnh đất nung trang trí hình rồng; các bát đĩa, âu, liễn, bình lọ… bằng gốm men ngọc, men trắng, men nâu, hoa nâu, hoa lam …; các vật dụng bằng sành như vại, chum, vò, lọ, chậu, bình, âu, nắp vung…; các đồ đun nấu bằng gốm, các khối gạo, thóc hóa than v..v.., thuộc những thời kỳ muộn hơn hoặc sớm hơn. Cuộc thám sát cung cấp thêm bằng chứng về việc sử dụng khu vực này làm căn cứ địa. Những mảnh tháp mang phong cách thời Trần cũng cho thấy sự có mặt của các hoạt động tín ngưỡng Phật giáo vào thời Trần ở đây. Tất cả những dữ liệu này đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của khu vực thung Nội Lấm vào thời nhà Trần. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà khảo cổ tiếp tục khai quật và khảo sát, nghiên cứu khu vực thung Nội Lấm cũng như trong phạm vi rộng hơn của hành cung Vũ Lâm.
Hiểu thêm thung Nội Lấm – hiểu thêm lịch sử, những đóng góp của nhà Trần trong tiến trình phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của quần thể Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An./. Phòng Nghiệp vụ Nghiên cứu BQL Quần thể Danh thắng Tràng An
|
Nguồn: Bản tin VHTTDL Ninh Bình số 1/2016 |